• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021    Những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII    Khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng    Họp Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội XIII của Đảng    Tin tưởng và kỳ vọng   

Xã hội

Ai về Kon Rẫy mà xem...!

26/11/2020 13:05

Với tôi, Kon Rẫy rất quen thuộc, rất gần gũi, ngay cả khi chỉ ngồi nhớ đến. Vậy mà lắm lúc, như hun hút, như thăm thẳm, như lan man đâu đó, dù tôi đang lang thang trên dải đất đầy nắng gió này. Và càng đi, tôi càng phát hiện ra, ẩn sau sự mộc mạc quen thuộc ấy, Kon Rẫy là một “mỏ vàng” về du lịch.

1. Bạn không tin ư, hãy về Kon Rẫy với tôi một lần mà xem!

Đầu tiên, tôi mời bạn cùng đi thăm Kon Brắp Du (xã Tân Lập)- một ngôi làng hiền hòa, trầm mặc nằm bên dòng Đăk Pne lững lờ chảy, còn giữ được “chất làng” hơn rất nhiều ngôi làng Xơ Đăng đã và đang “hiện đại hóa”.

Tương truyền Kon Brắp Du đã có hơn 150 tuổi. Người già kể lại, cách đây lâu thật là lâu, ở một làng  thuộc vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai ), do mâu thuẫn bộ tộc, đã có một nhóm người Ba Na nhánh Jơlâng kéo nhau vượt núi, đi tìm nơi lập làng mới. Một ngày nọ, họ đến một vùng đất bằng phẳng, khá rộng lớn, có nhiều cây chuối rừng bên bờ sông Đăk Pne nên quyết định dừng chân.

Làng mới được đặt tên là Kon Brắp Du. Theo người già, “Kon” là “làng”, Brăp là tên nữ tộc trưởng có công lập làng mới và “Du” là cây chuối. Tên gọi ấy vừa thể hiện lòng biết ơn đối với người có công dẫn dắt mọi người lập làng, vừa nói lên đặc điểm của vùng đất mới.

Đến làng Kon Brắp Du, du khách có thể đắm mình trong không gian của những hoạt động văn hóa truyền thống. Ảnh: HL

 

Trải qua nhiều biến động lịch sử, dân làng cũng di chuyển vài lần, nhưng tên vẫn không thay đổi. Làng vẫn nằm bên dòng Đăk Pne trong xanh. 

Là "chủ nhà", tôi sẽ dẫn bạn đi một vòng quanh làng. Hãy thả hồn chơi vơi ngắm gió mây, sông nước, rừng xanh, nhà cửa, xóm làng yên bình. Hãy nhắm mắt lại cảm nhận sự tĩnh lặng của tự nhiên và vô số cánh chim chao liệng tự do giữa thinh không. Trong khoảnh khắc ấy, hẳn bạn sẽ thấy như thể được quay trở về nguồn cội mình. Khung cảnh thiên nhiên vừa mê hoặc vừa mạnh mẽ, bao dung, khiến bạn như chơi vơi, không thể cưỡng lại.

Tôi sẽ giới thiệu cho bạn gặp gỡ già làng A Ring Đeng, một người làm du lịch có tiếng ở đây. Trước khi làm du lịch, ông là một nông dân, và bây giờ, ông vẫn là một nông dân, chỉ khác chăng, ông đã khá nổi tiếng. Bất cứ khách du lịch nào đã từng đến đây đều gặp ông, khi đi rồi đều nhớ về ông.

Bạn nên nghe ông kể về chặng đường mò mẫm làm du lịch của mình và dân làng. Bạn sẽ như tôi, không cưỡng lại được sức hút từ ông, rồi cảm thấy hào hứng, vui mừng như bỗng dưng bắt gặp những trầm tích của thời gian, của văn hóa trên vùng đất này.

Rất nhiều khách du lịch đã về đây đều có chung nhận xét, thế mạnh, và cũng là sức hấp dẫn của Kon Brắp Du chính là phong cảnh hiền hòa của một ngôi làng cổ và bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ lâng) được gìn giữ, truyền lại từ bao đời - già A Ring Đeng tự hào nói.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Kon Brắp Du đã được nhiều người biết đến, khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến hàng năm cũng tăng lên đáng kể. Mỗi khi có khách, dân làng sẵn lòng chiêu đãi các món ăn độc đáo của mình, như cơm lam, gà nướng, chuột rừng nấu lồ ô, cá sông nấu măng đắng…; giới thiệu các nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, đan lát.

Đêm đêm, bên ánh lửa, dân làng và khách lại hòa vào vòng xoang bất tận trong giai điệu cồng chiêng và men rượu ghè chếnh choáng, nồng nàn.

Từ những nông dân, họ bước qua "cánh cửa" mang tên du lịch, sống bằng chính bản sắc văn hóa dân tộc được dày công gìn giữ, bằng tấm lòng chân chất, thảo thơm, bằng những sản vật chắt chiu từ thiên nhiên và cả những cần mẫn, lam lũ quê mùa bao đời.

Thác Đăk Snghé thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: H.L

 

Nếu bạn thích khám phá, hòa mình vào thiên nhiên, ta sẽ đi chơi thác Đăk Snghé. Đây là con thác nằm giữa địa phận xã Đăk Tơ Lung và thị trấn Đăk Rve, chỉ cách Quốc lộ 24 khoảng 4km.

Thật ra, thác Đăk Snghé là dãy liên hoàn 3 thác của sông Đăk Snghe, được thiên nhiên kiến tạo rất gần nhau. Nếu thác 1 và thác 2 thu hút bởi những phiến đá phẳng lì, dòng nước đổ mạnh, tung bọt trắng xóa thì thác 3 lại hiền hòa hơn, thuận lợi cho những chuyến cắm trại ngủ rừng và thú vui câu cá thư giãn, hai bên sườn thác là những cánh rừng nguyên sinh xanh mát, luôn ríu tít chim rừng.

Bạn là người ưa thích những tiện nghi nghỉ dưỡng ư, hãy đến Epic Spa - một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được đưa vào hoạt động cuối năm 2016 tại thôn 13, xã Đăk Ruồng. Nằm bên cánh đồng lúa, Epic Spa là một không gian xanh, thoáng đãng, tĩnh lặng và mát mẻ.

Đặc biệt, thiên nhiên ban tặng cho nơi đây một điểm nước nóng tự nhiên khiến bạn không thể cưỡng lại ý muốn được ngâm mình trong làn nước nóng sau những hoạt động dã ngoại. Sau đó, nhất định bạn sẽ muốn thưởng thức những món ăn dân dã nhưng hấp dẫn, như gà nướng cơm lam, cua đồng, cá lóc, cá niêng và các loại rau rừng được hái ngay trong vườn nhà.

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Epic Spa. Ảnh: HL


 

2. Và tất nhiên, Kon Rẫy không chỉ có vài ba điểm đến như Kon Brắp Du, thác Đăk Snghé hay khu du lịch nghỉ dưỡng Epic Spa.

Trong hành trình khám phá vùng đất Bắc Tây Nguyên, Kon Rẫy xứng đáng là nơi dừng chân để trải nghiệm của du khách, nhất là những ai ưa thích khám phá những điều mới mẻ.

Hãy thử tưởng tượng nhé. Trong hành trình rong ruổi, ta sẽ tắm mát ở thác Đăk Snghé (hay thác 1, thác 7 ở xã Đăk Kôi cũng được); tham quan hang Dơi  (thôn 6, xã Tân Lập); chèo thuyền lòng hồ thủy điện Đăk Pô Ne 2B. Rồi thăm Căn cứ cách mạng Huyện ủy H16, di tích xưởng luyện gang, hang che dấu cán bộ cách mạng (xã Đăk Kôi), di tích đồn Kon Braih (xã Đăk Ruồng).

Sau khi thỏa thuê với núi rừng, sông nước, ta có thể tắm bùn khoáng, ngâm mình thư giãn ở suối nước nóng Đăk Toa (xã Đăk Ruồng). Hoặc lên bờ cắm trại, leo núi, đi xe đạp đổ đèo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh ở xã Đăk Pne.

Trời đã tối, sương mù buông xuống dày hơn, ta có thể ghé vào bất cứ làng nào xin nghỉ lại, không nhất định phải là Kon Brắp Du. Ở đây, ta không chỉ ngắm nhà rông rộng dài, uy nghi; những căn nhà sàn bằng tre, nứa, tranh tre mang đậm kiến trúc truyền thống mà còn được gặp gỡ những người dân hiền lành, chất phác và mến khách; thưởng thức những món ăn dân dã lạ lẫm và đặc sắc được chế biến từ những sản vật của rừng núi, suối sông.

Đêm đêm, dưới mái nhà rông, bên đống lửa rừng rực cháy, mọi người hòa chung vòng xoang trong nhịp chiêng cồng. Nếu đến đúng dịp lễ hội (mùa xuân), ta sẽ được chung vui trong những lễ hội theo vòng đời người và theo mùa vụ cây trồng; mê mẩn nghe đàn ting ning thánh thót, đàn môi réo rắt, đàn tơ rưng, đinh pút dìu dặt; ngắm già làng đan gùi, chị và mẹ dệt thổ cẩm. Khi đã mệt, cùng thanh niên vít rượu ghè và ăn chuột rừng, cá suối.

Tất cả dệt nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, hấp dẫn!

Khu di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy H16. Ảnh: H.L

 

Hướng tới mục tiêu khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năm 2015, huyện Kon Rẫy triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Bắt đầu từ đó, hành trình phát triển du lịch Kon Rẫy được hoạch định rõ ràng, bài bản hơn; xác định rõ hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Lương, thực hiện đề án, trong 5 năm qua, chính quyền địa phương đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh, đề ra mục tiêu phù hợp để chủ động, tích cực thực hiện; chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, không trùng lắp và hấp dẫn. Một số  doanh nghiệp cũng nắm bắt cơ hội, đầu tư các dự án sản xuất tập trung hay kết nối du lịch, chung tay với nông dân hình thành các tour, điểm du lịch.

Kết quả là từ năm 2016 - 2020, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn (chủ yếu là du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch cộng đồng...) ước đạt khoảng 20.000 lượt. Có thể nói, dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng phát triển du lịch bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn thông qua thu nhập trực tiếp từ sản phẩm nông nghiệp, cũng như từ cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách, từ đó thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn- Chủ tịch Võ Văn Lương chia sẻ.

Du lịch Kon Rẫy đang chuyển mình. Những tên đất, tên người đã và đang tạo nên sức hút từ việc tự gìn giữ và nâng tầm vẻ đẹp của mình, tạo nên một tiềm năng riêng để Kon Rẫy vững tin khai phá "mỏ vàng" du lịch.

Bạn không tin ư? Hãy về Kon Rẫy mà xem!     

Hồng Lam

   

Các tin khác

  • Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Hội nghị đại biểu người lao động năm 2021
  • Chỉnh trang đô thị chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
  • Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền năm 2020
  • Công ty Điện lực Kon Tum: Hội nghị đại biểu người lao động năm 2021
  • Kon Rẫy: Đảm bảo quốc phòng, an ninh
  • Công ty 78 tặng chăn đắp cho người dân xã Mô Rai
  • Thi đua lập công quyết thắng
  • LĐLĐ thành phố Kon Tum tổ chức Chương trình “Tết sum vầy”
  • Hội thảo “Liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Kon Tum”
  • Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn viên chức tỉnh lần thứ VIII
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Tổng kết, trao thưởng Cuộc vận động Sáng tác Văn học - Nghệ thuật năm 2020
  • Bí thư Thành ủy Nguyễn Đức Tuy làm việc với UBND thành phố Kon Tum
  • Đại hội của niềm tin và khát vọng
  • Phát triển nông nghiệp hữu cơ
  • Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
  • Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021
  • Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Hội nghị đại biểu người lao động năm 2021
  • Những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Khát vọng làm nông nghiệp sạch
  • Con trâu là đầu cơ nghiệp
  • Nghề kinh doanh cá Koi
  • Mây bay trên đỉnh Sạc Ly

Đất & Người Kon Tum

  • A Đông - Tận tâm với cồng chiêng
  • A Đông, dân tộc Xơ Đăng (nhánh Sơ Đrá), hiện cư trú tại làng Đăk K’đêm, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) luôn đau đáu, trăn trở với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Nhiều năm qua, anh không ngừng nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ và góp công vào duy trì việc tổ chức các lễ hội truyền thống để di sản văn hoá của dân tộc mình không bị mai một.
  • Còn mây tre thì còn đan lát!
  • Nghệ nhân A Pheh “truyền lửa” đam mê cồng chiêng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0603862531; Fax: 0603.865.635. Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 345/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 29/6/2016
Liên hệ tòa soạn
Bảng giá quảng cáo
Developed by